TPHCM “thất thủ” với những đoạn đường oằn mình cõng hàng chục dự án chung cư
Đánh giá bài viết

Trục đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) hay Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) được coi là một trong những tuyến quá tải nhất về hạ tầng giao thông hiện nay của TP.HCM. Đây cũng là tuyến đường có hàng chục tòa nhà cao tầng san sát, vì thế tình trạng kẹt xe đang ngày một diễn biến trầm trọng.

 

Ước tính, chỉ riêng ở mặt đường Nguyễn Hữu Thọ kéo dài khoảng 2km với 4 làn xe đã có tới hơn 40 chung cư cao tầng. Và không lâu nữa, tuyến đường này sẽ xuất hiện thêm tòa nhà cao trên 20 tầng đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ bàn giao cho khách hàng trong giai đoạn 2018-2020. Đó là còn chưa kể hàng chục dự án khác với cả nghìn căn hộ chưa được triển khai chỉ chờ cơ hội gia nhập thị trường khi các chủ đầu tư cảm thấy “chín muồi” tại nhiều cung đường khá ngắn khác ngay trong nội thành thành phố.

Khu vực quận 2, cửa ngõ phía đông vào trung tâm TP.HCM thuộc các phường Thảo Điền, Bình An, An Phú, Bình Khánh dày đặc các dự án cao ốc đã và đang được xây dựng. Khu vực này được đánh giá có vị trí rất thuận lợi để phát triển đô thị, gần trung tâm thành phố. Sôi động nhất là dọc tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên song song với Xa lộ Hà Nội và đại lộ 12 làn xe Mai Chí Thọ kết nối từ trung tâm thành phố qua hầm Thủ Thiêm. Tại đây, các dự án chen chân nhau mọc lên san sát.

“Chúng ta đang đi ngược quy trình quy hoạch so với các nước trên thế giới. Tức là, thành phố từ gần 20 năm trước đã có những bản đồ quy hoạch tổng thể các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh để giãn dân vùng trung tâm. Tuy nhiên, chúng ta không đưa ra những bản đồ quy hoạch phân khu cụ thể cho từng quận, với mật độ dân số tương ứng trên hệ thống hạ tầng cơ sở nên đã tạo ra những khu vực phát triển quá dày đặt, những chỗ khác thì thưa thớt”, TS. Lê Bá Trí Nhân nói.

Theo vị chuyên gia này, dựa trên bản đồ quy hoạch từng khu, trong đó quy định loại dự án BĐS nào được xây dựng, độ cao tầng, số lượng dân cư, tiện ích công cộng… Hiện nay, thành phố vẫn còn quy hoạch một cách chung chung, chưa rõ ràng nên đang diễn ra sự mất cân bằng trong phát triển đô thị.

Về những bất cập hạ tầng ở những khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc, phát biểu tại hội nghị về vấn đề hạ tầng giao thông TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng mặt dù tai nạn giao thông giảm trên địa bàn trong 6 tháng qua, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn ra, do số lượng phương tiện đăng ký mới tiếp tục tăng. Do vậy các dự án hạ tầng giao thông TP.HCM không đáp ứng kịp với tốc độ gia tăng phương tiện.

Vì vậy, ông Phong yêu cầu các đơn vị liên quan từ nay đến cuối năm cần tập trung các biện pháp phân luồng, tổ chức giao thông khoa học hợp lý, các đơn vị tăng cường kiểm tra xử lý 37 điểm có nguy cơ ùn tắc, giải cứu kịp thời các sự cố. Các sở, ngành phối hợp kiểm tra không cấp phép xây dựng các dự án cao ốc có dân cư đông tại các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Theo Nhịp sống kinh tế