Làn sóng săn BĐS Đông Sài Gòn của những nhà giàu gốc Á
Đánh giá bài viết

Ông Yang (50 tuổi) đã quyết định bán công ty sản xuất văn phòng phẩm ở Đài Loan để gom 5 triệu USD đầu tư căn hộ, biệt thự, nhà phố tại Sài Gòn.

Gần 3 năm gia nhập thị trường BĐS (BĐS) Tp.HCM và “mù” tiếng Việt nhưng rào cản ngôn ngữ vẫn không khiến các nhà đầu tư cá nhân Đài Loan chùn bước. Khi đi xem nhà, đất, căn hộ, ông Yang thường đi cùng phiên dịch viên người Việt thân tín của mình. Các con của ông Yang cũng thi thoảng hỗ trợ bố nhưng họ chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh và cũng kinh doanh riêng. Do đó, trong những quyết định của ông, có đến 80% liên quan đến người phiên dịch bản xứ.

Ông Yang hiện có 2 căn nhà phố dự án tại quận 9, 3 căn hộ cao cấp tại tại trung tâm Tp.HCM và 2 căn biệt thự tại quận 2. Tất cả đều đang được cho thuê. Đó là chưa kể những BĐS tại các tỉnh thành khác như Bình Dương, Đồng Nai mà Yang đang quản lý.

Một môi giới BĐS chuyên địa bàn quận Bình Thạnh và phường Thảo Điền tiết lộ, Yang đã đầu tư ít nhất cả trăm tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD tại Việt Nam) và vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS khác tại những dự án mới thuộc khu Đông Sài Gòn như dự án Villa Park, Park Riverside, Melosa Garden … Vợ con và phần lớn tài sản của Yang đều ở Tp.HCM nên ông coi đây là miền đất hứa. Ông chia sẻ, ở đô thị nhộn nhịp bậc nhất Việt Nam này, việc kinh doanh BĐS có biên lợi nhuận hấp dẫn hơn ở quê nhà Đài Loan.

                                        Dự án Melosa Garden Quận 9 – Nơi ông Yang mua đầu tư 2 căn nhà phố để cho thuê

Không chỉ ông Yang, nhiều người tại Sài Gòn cũng có câu chuyện tương tự. Đây là minh chứng cho làn sóng săn lùng BĐS rầm rộ của những nhà đầu tư gốc Á. Theo một công ty tư vấn, môi giới đầu tư địa ốc tại quận 2, trong danh sách khách VIP của họ, khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã mua căn hộ Mastery Thảo Điền tại mặt tiền Xa lộ Hà Nội để đồng hương của họ thuê. Thậm chí có một nhà đầu tư Hàn Quốc đã mua 2 sàn căn hộ của dự án này để cho thuê.

Vài tuần trước đây, khoảng đầu tháng 7/2017, một dự án tại quận 2, tiếp giáp quận 1 qua hầm Thủ Thiêm cũng đã thu hút hàng trăm khách hàng Hàn Quốc đặt chỗ khi công bố sản phẩm. Đáng chú ý, nhóm khách hàng đến từ Hàn Quốc này khi được môi giới giải thích về quy định không được bán vượt quá 25-30% sản phẩm trong một dự án cho người nước ngoài thì khi hết suất mua, môi giới tư vấn khách ký hợp đồng thuê 50 năm, họ vẫn chấp thuận.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa xác nhận, ngoài làn sóng M&A rầm rộ của các nhà đầu tư tổ chức đến từ Nhật Bản, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc thì cuộc đua của những nhà đầu tư cá nhân gốc Á cũng không kém phần sôi động.

Theo phân tích của chuyên gia này, so với thời điểm Việt Nam vừa cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà (năm 2015) thì thị trường Tp.HCM hiện nay có nhiều loại hình BĐS nhà ở thu hút giới đầu tư quốc tế với mức giá cạnh tranh so với khu vực. Sự phát triển về chất (ngày càng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao) và về lượng (nguồn cung gia tăng mạnh) của thị trường địa ốc hơn 10 triệu dân này đã thu hút nhiều người gốc Á đến đây đầu tư.

Nguyên nhân của làn sóng này là do thị trường BĐS nhiều nước tại châu Á đang có giá quá cao và việc đầu tư vào thời điểm này không còn hấp dẫn tại bản xứ. Hơn nữa, lãi suất ở các thị trường này cũng cực thấp. Mức lãi suất phổ biến tại Singapore là 3%, tại Nhật là 1%, tại Hàn Quốc là dưới 2% và nhiều vùng lãnh thổ khác như Hong Kong, Đài Loan cũng khiêm tốn hơn so với Việt Nam.

Trong khi đó, tại Tp.HCM, thị trường BĐS được đánh giá còn nhiều tiềm năng như Trung Quốc 10 năm trước. Biên lợi nhuận từ đầu tư BĐS tại Tp.HCM trong nhiều năm nay trung bình đạt khoảng 15-20%/năm, thậm chí cao hơn, hay gấp đôi khi thị trường tăng trưởng tốt (2015-2016). Do đó, BĐS Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp tục đón nhận cơn lốc săn BĐS của những nhà đầu tư gốc Á. Ông Quang dự báo: “Đây có thể là bước ngoặt của thị trường Tp.HCM trong những tháng còn lại của năm 2017 và trong 5 năm tới”.

(Theo Vnexpress)